Chắc hẳn bạn đã từng nghe nhắc đến năm nhuận, và nếu theo dõi lịch thường xuyên, có lẽ bạn cũng đã năm 2020 là một năm nhuận. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về năm nhuận và cách tính năm nhuận một cách rõ ràng và cụ thể.
Vậy cuối cùng thì năm nhuận là gì? Làm thế nào để tính năm nhuận theo Dương lịch và Âm lịch đúng nhất? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.
Năm nhuận có bao nhiêu ngày? Mấy năm nhuận 1 lần?
Năm nhuận được tính theo hai loại lịch được sử dụng phổ biến hiện nay, đó là Dương lịch và Âm lịch. Nếu tính theo Dương lịch sẽ dư ra một ngày và tính theo Âm lịch sẽ có thêm một tháng 13. Sở dĩ năm nhuận được tính toán như vậy là nhằm đảm bảo sự đồng bộ việc lặp lại của năm trên lịch.
Theo Dương lịch, mùa hay sự kiện thiên văn trong các năm không lặp lại chính xác theo ngày. Do đó, sau một khoảng thời gian nhất định, năm dương lịch phải thêm một ngày để đảm bảo có thể chỉnh sửa lại các sai số do làm tròn năm.
Còn theo Âm lịch, do một chu kỳ quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất là 29,53 ngày nên một năm âm lịch tính ra chỉ có khoảng 354 ngày (đã làm tròn). Bởi vậy, cứ qua khoảng một vài năm âm lịch, người ta sẽ bổ sung thêm một tháng thứ 13 (tháng nhuận) để có thể đảm bảo được năm âm lịch phù hợp với chu kỳ của thời tiết, là yếu tố phụ thuộc vào chu kỳ quay của Trái Đất quanh Mặt Trời.
Vậy theo như cách giải thích ở trên thì năm nhuận sẽ có bao nhiêu ngày? Ở Việt Nam, hiện nay đang tính theo cả hai loại: Dương lịch và Âm lịch. Theo năm Dương lịch, chu kỳ Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời là 365 ngày và 6 giờ. Tức là ¼ ngày và cứ sau 4 năm, thời gian sẽ dư ra là ¼ x 4 = 1 ngày, ngày đó được gọi là ngày nhuận. Một năm bình thường có 365 ngày thì năm nhuận sẽ có thêm 1 ngày là 366 ngày.
Như vậy, theo năm Dương lịch thì cứ 4 năm sẽ lại có 1 năm là năm nhuận. Ngày nhuận được quy ước là 29/2, do vậy, vào năm nhuận tháng 2 sẽ có 29 ngày thay vì 28 ngày như bình thường.
Cách tính năm nhuận cụ thể theo Dương lịch và Âm lịch
Cách tính năm nhuận theo Dương lịch
Để tính năm nhuận một cách đơn giản và nhanh chóng nhất thì cứ năm nào chia hết cho 4 sẽ là năm nhuận. Chẳng hạn như năm 2016 chia hết cho 4 cho nên năm 2016 là năm nhuận.
Tuy nhiên, với những năm tròn thế kỷ (tức là có hai số 0 ở cuối) thì số năm đó cần phải chia hết cho 400 mới được tính là năm nhuận. Ví dụ như năm 2100 chia hết cho 4, nhưng lại không chia hết cho 400, nên năm 2100 không phải là năm nhuận.
Cách tính năm nhuận theo Âm lịch
Khác với Dương lịch, cách tính năm nhuận theo Âm lịch có phần phức tạp hơn rất nhiều. Ở Việt Nam, hiện nay Âm lịch được tính theo thời gian Mặt Trăng quay quanh Trái Đất, 1 tháng thì Mặt Trăng sẽ quay hết khoảng 29,5 ngày. Vì thế, 1 năm âm lịch bình thường có 354 ngày âm, ít hơn dương lịch 11 ngày.
Như vậy, cứ 3 năm liên tục, âm lịch sẽ ít hơn dương lịch 33 ngày. Bởi vậy, để thời gian âm lịch và dương lịch không bị chênh lệch quá nhiều và 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông không bị sai lệch thì cứ 3 năm âm lịch sẽ có 1 tháng nhuận. Dồn tiếp 2 năm nữa sẽ dư ra 25 ngày, gần nhuận được 1 tháng.
Tính bình quân trong 19 năm sẽ có 7 tháng nhuận. (19 năm sẽ có 19 x 11 = 191 ngày bị thiếu theo âm lịch. Lấy 191/30 = 7 => 19 năm sẽ có 7 tháng nhuận âm lịch.)
Vì vậy, cách tính âm lịch cụ thể như sau:
Lấy số năm chia cho 19, nếu số dư ra là một trong các số 0, 3, 6, 9 hoặc 11, 14, 17 thì năm âm lịch đó có tháng nhuận.
Ví dụ như:
2014 là năm nhuận âm lịch vì 2014 chia hết cho 19, số dư là 0.
2017 là năm nhuận âm lịch vì 2017 chia cho 19, số dư là 3.
Thế nhưng, 2016 không phải năm nhuận âm lịch vì 2016 chia cho 19, số dư là 2. Hoặc 2019 cũng không phải năm nhuận vì 2019 chia cho 19, số dư là 5.
Ngoài ra, để tính được năm nhuận âm lịch sẽ có thêm một tháng nhuận là tháng nào là vấn đề không hề đơn giản. Các nhà lập pháp phải công phu, có kinh nghiệm tính mới ra được chính xác và lập thành bảng để tuân theo đó mà tính tháng nhuận âm lịch cho các năm tiếp đó. Không có cách tính tháng nhuận nào cụ thể, đơn giản như cách tính năm nhuận âm lịch.
Năm 2020 có nhuận không và nhuận tháng mấy?
Để xác định năm 2020 có nhuận không, bạn có thể áp dụng công thức tính như ở phần trước tương ứng với hai loại lịch.
Theo Dương lịch, năm 2020 chia hết cho 4, nên năm 2020 là năm nhuận dương lịch và sẽ có 366 ngày, tháng 2 có 29 ngày.
Theo Âm lịch, năm 2020 chia cho 19 có số dư là 6, cho nên năm 2020 là năm nhuận âm lịch. Và theo các nhà lập pháp, các chuyên gia tính toán thì năm 2020 sẽ có thêm một tháng 4 âm lịch.
Vậy tính tương tự như vậy, năm 2024 liệu có phải là một năm nhuận hay không? Theo cách tính của Dương lịch thì năm 2024 chia hết cho 4, cho nên năm 2024 sẽ là năm nhuận dương lịch, sẽ có thêm 1 ngày và ngày nhuận đó chính là ngày 29/2.
Tuy nhiên, theo Âm lịch, năm 2024 chia cho 19 có số dư là 10 nên năm đó không phải năm nhuận âm lịch và hiển nhiên cũng sẽ không có tháng nhuận.
Tại sao có ngày nhuận? Những điều thú vị về ngày nhuận có thể bạn chưa biết
Tại sao có ngày nhuận?
Theo lịch dương, năm nhuận sẽ có thêm 1 ngày, ngày đó được gọi là ngày nhuận. Vậy tại sao lại có ngày nhuận có lẽ là câu hỏi được nhiều người đặt ra nhưng hẳn là chưa hiểu rõ về ngày này.
Việc đo lường thời gian theo dương lịch xuất phát từ chu kỳ Trái Đất tự xoay quanh trục của nó và xoay quanh Mặt Trời. Chu kỳ một vòng xoay của Trái Đất đo được là 365 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây, tương đương với 365,25 ngày. Tuy nhiên, để tiện cho việc tính toán, chúng ta vẫn luôn coi rằng 1 năm chỉ có 365 ngày thôi. Vậy thì 0,25 ngày còn lại sau 4 năm sẽ được cộng dồn thành 1 ngày và ngày đó sẽ trở thành ngày nhuận. Ngày nhuận thường được quy ước là ngày 29/2.
Nếu lịch dương được đo theo chu kỳ Trái Đất xoay quanh Mặt Trời thì lịch âm lại được đo theo chu kỳ Trái Đất xoay quanh Mặt Trăng. Do đó, ngày nhuận dương lịch và âm lịch cũng có nhiều sự khác biệt. Khi Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời thẳng hàng và Mặt Trăng quay nửa tối về Trái Đất thì đó được tính là ngày Mùng 1 âm lịch. Từ ngày Mùng 1 này đến ngày Mùng 1 âm lịch kế tiếp nếu cách nhau 30 ngày thì tháng đó đủ, còn nếu cách nhau 29 ngày thì tháng đó bị thiếu. Khi so sánh với lịch dương thì lịch âm sẽ bị chênh lệch gần 11 ngày. Sau 3 năm thì dồn lại là lệch 33 ngày. Chính bởi vậy mà cứ 3 năm âm lịch lại nhuận 1 tháng. Những ngày còn dư cứ được cộng dồn lại tiếp nên tính kỹ ra thì sau 19 năm sẽ có tới 7 tháng nhuận là bởi vậy.
Những điều thú vị về ngày nhuận có thể bạn chưa biết
Ngày nhuận của những năm trước 2000 không phải là ngày 29/2?
Có thể bạn chưa biết, trước năm 2000, ngày nhuận không phải 29/2 mà là lại là ngày 24/2. Thời gian sau, khi Liên minh châu Âu ra thông báo ngày 29/2 sẽ là ngày nhuận thì thông báo này mới được coi như quy ước toàn cầu và áp dụng đến tận bây giờ.
Ngoài ra, Trường Đại học John Hopkins cũng có nhiều giáo sư muốn điều chỉnh lịch để đảm bảo vừa vòng quay của Trái Đất, và cố định lịch về sau để ngày mùng 2/2 hàng năm đều rơi vào thứ Ba. Và theo như cách điều chỉnh này của các giáo sư, thì mỗi 1 thập kỷ, con người sẽ chỉ phải đối mặt với một tuần nhuận mà thôi.
Ông George Eastman, nhà sáng lập Kodak, cũng có một sáng kiến khác, đó chính là đề xuất lịch cố định quốc tế 28 ngày/tháng. Như vậy 1 năm sẽ có tới 13 tháng, và cuối mỗi năm sẽ đều có một ngày nhuận được dùng làm ngày nghỉ và sau 4 năm cũng vẫn có ngày nhuận.
Tuy nhiên, những sáng kiến trên hầu hết chỉ được mọi người tham khảo, chứ trên thực tế vẫn chưa có quốc gia nào có ý định điều chỉnh lịch vốn đã có nhiều sự tính toán phức tạp này.
Trên thực tế, công thức tính năm nhuận chủ yếu là được số hóa sao cho đơn giản để tất cả mọi người đều có thể hiểu. Tuy nhiên, với những thay đổi không ngừng về khí hậu, môi trường và các yếu tố thiên văn học ngoài khả năng có thể dự đoán được của các chuyên gia thì trong tương lai, ngày nhuận có thể sẽ không còn tuân theo quy luật này nữa chăng? Câu hỏi này vẫn còn đang bỏ ngỏ, mọi thứ chỉ là nghi ngờ và giả định, bởi sở dĩ con người không bao giờ có thể dự đoán trước được chính xác các thay đổi trong tương lai.
Ngày đặc biệt mang ý nghĩa đặc biệt
Phần lớn dân số trên thế giới đều có một ngày sinh nhật mỗi năm một lần, nhưng với những ai sinh vào ngày 29/2, tức là ngày nhuận, 4 năm mới có một lần thì hẳn là một sinh nhật khá đặc biệt.
Người ta thường hay nói những ai sinh vào ngày 29/2 là những con người đặc biệt ưu tú. Trong gần 8 tỉ người trên thế giới, chỉ có khoảng 5 triệu người sinh ra vào ngày 29/2, tỉ lệ này vào khoảng 1:1500. Chính vì vậy, nhiều người tin rằng những người có sinh nhật vào ngày này thường rất đặc biệt, bởi nếu đúng theo lịch dương thì 4 năm họ mới tổ chức một lần. Tuy nhiên, trường hợp này, họ cũng có thể chọn sinh nhật theo lịch âm theo ý muốn.
Điều đặc biệt hơn nữa là ở Scottland, ngày 29/2 hàng năm được gọi là “Ngày quyền lợi phụ nữ”, hay còn có tên gọi khác là “Ngày phụ nữ cầu hôn” do chính Nữ hoàng Margarit ban bố kể từ năm 1288 và được áp dụng cho đến tận bây giờ.
Đây có lẽ sẽ là một ngày vô cùng đặc biệt đối với phụ nữ Scottland nói riêng và toàn bộ người dân Scottland nói chung. Bởi trong ngày này, phụ nữ có quyền chủ động trong chuyện tình yêu của họ. Những người phụ nữ nào cầu hôn vào ngày này nhưng bị từ chối thì người đàn ông sẽ phải tặng lại họ một món quà. Có thể nói đây là một sự kiện vô cùng đáng nhớ vì nó đánh dấu một bước tiến mới vô cùng quan trọng về quyền con người ở Scottland nói riêng và cả Châu Âu nói chung. Điều này đã giúp phụ nữ thoát khỏi những hủ tục và quan niệm bất bình đẳng xưa cũ, đồng thời giúp họ dũng cảm nói lên tiếng lòng mình mà không phải chịu bất cứ rào cản xã hội nào.
Kết luận
Như vậy, bài viết trên đây chính là những thông tin chi tiết nhất về năm nhuận, cũng như cách tính năm nhuận theo Dương lịch và Âm lịch tương đối dễ hiểu dành cho mọi đối tượng. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, Thiên Văn học quả là một chủ đề thú vị, có thể giúp chúng ta lý giải từ những vấn đề bình thường nhất bằng góc nhìn khoa học đầy logic. Hy vọng rằng qua bài viết, bạn đã tìm thấy những thông tin hữu ích và có hứng thú hơn với Thiên Văn học – nơi giúp giải đáp những điều lý thú quanh ta.